
Xoài gắn liền với tôi cả một tuổi thơ. Vườn nhà tôi ngày xưa trồng rất nhiều cây xoài, mà toàn là xoài cổ thụ, gốc to, cao, chứ không phải dạng xoài chiết, xoài ghép như ở các vườn xoài bây giờ ( hiệu quả kinh tế cao hơn, dễ hái hơn ). Mà đủ các loại xoài nhé : Xoài tượng, xoài cát, xoài vôi, xoài thanh ca, xoài cóc.v.v... với đủ các hình dạng. Xoài tượng thì to thật to, ăn sống ngon hơn vì chua vừa vừa thôi, để chín thì ăn không ngon nữa, vì không ngọt lắm, lạt lạt... Xoài cát thì ăn chín ngon hơn vì lúc sống thì chua thật chua, chín thì ngọt thật ngọt. Xoài thanh ca có cái tên thật hay, nhưng hôi mùi mủ, ốm ốm dẹt dẹt, không được chuộng lắm. Xoài cóc thì tròn tròn, nhỏ xíu rất dễ thương.
Nhiệm vụ hồi nhỏ của tôi là trèo cây hái xoài. Khoảng đâu lớp 6, lớp 7 gì đó. Khi đó, sức tôi đã đủ để nâng cán lồng* để hái những trái xoài mọc ngoài cành xa tít. Gốc xoài to, mà cành thì ở tít trên cao, không thể dùng nài** như trèo dừa hay trèo cau, nên để leo lên, phải đóng những cây đinh to hoặc bắc thang leo lên cành gần nhất ( rồi từ đó chuyền đi những cành khác ). Cành, nhánh của xoài rất chắc, nên không sợ gãy. Chỉ sợ nhất là kiến vàng. Mỗi lần đưa lồng hái xoài, là cố tránh đụng đến những ổ kiến, kẻo động, chúng bu lại thì coi như phải gấp rút tụt xuống...
Nhưng cũng có những cây xoài rất dễ thương, như cái cây xoài trước sân nhà tôi. Không hiểu sao, nó mọc nghiêng, cứ thế mà bước lên nó dễ ợt như bước lên cầu. Rồi nắm những nhành xoài chuyền tới chuyền lui. Có lần, năm học lớp 7, nguyên lớp tôi hứng chí dụ dỗ tôi dẫn về nhà chơi ( có mấy cô giáo trẻ thực tập nên tụi nó rất sung, dù nhà tôi thật xa, cách trường 8 cây số ), thế là, cây xoài dễ thương này trở thành nạn nhân của chúng nó ( không cần tôi phải trổ tài leo xoài, tụi nó cũng đi lên được tỉnh bơ mà ). Lúc về, 40 trái xoài đi theo 37 đứa phá phách và 3 cô giáo thực tập sinh. .
Vì vườn toàn là xoài cổ thụ, đến khi tôi lên đại học, thì những cây xoài không còn ra trái nữa. Đó là điều tôi tiếc nhất cho vườn nhà mình. Lần lượt những cây xoài bị đốn đi, chỉ còn lại những gốc xoài trụi lủi...
Ngoài trái, lá xoài non cũng ăn được nữa đó nghe. Lá xoài non luôn hiện diện trong đĩa rau sống quê tôi.
Tự dưng, được nhận 1 trái xoài tượng từ quê gửi lên, mà lại nghe nói là trong vườn nhà, tôi ngạc nhiên quá đỗi. Vườn nhà tôi còn xoài sao?
Trái xoài tượng này gợi tôi nhớ đến năm học cấp 3, tôi hái được 1 trái xoài tượng thật to, gấp đôi nó, tôi gọi là chim cánh cụt. Không nỡ ăn, tôi đem tặng đứa bạn thân nhất. Lần này cũng vậy, trái xoài không to như trái ngày xưa, nhưng cũng là to trong 10 năm nay. Tôi cũng không dám ăn một mình. Để dành vài ngày, rốt cuộc, đợi có 2 người bạn đến thăm, mới dám gọt ra ăn ( hai người có duyên với xoài )
Mới nửa trái thôi, mà đã nhiều như thế này rồi ( đĩa ăn nui xào bò đó nghe, không nhỏ chút nào )
Nước mắm đường... chảy nước miếng. Hồi xưa cũng ăn với mắm ruốc Gò Công, dầm ớt, ngọn tuyệt. Lâu rồi không nhìn thấy mắm ruốc Gò Công nữa....
--------------------------------------------
* Lồng : từ miền Tây ( miền Bắc chắc gọi là vợt ), là 1 thân cây trúc dài hơn 4m, đầu có 1 cái túi ( thường làm bằng vải hoặc bao bố ) may dính một gọng sắt có bẻ cong 2 chỗ để canh vừa cuống trái, và giựt rớt vào lồng. Lồng dùng để hái xoài, hái mận, hái cóc. Vì xoài nặng nên chừng 2, 3 trái rớt vào lồng là hạ xuống cho người dưới đất lấy ra bỏ vào bội ( có hình dáng giống như cái thúng, nhưng đan bằng tre thưa, có lỗ ) đã được lót lá cẩn thận.
** Nài : là 1 vòng dây tròn ( kích thước gấp lại bằng thân cây dừa hoặc cau, vừa để nhét 2 bàn chân vào ). Nếu leo cau thì thường được làm bằng dây là chuối khô nhúng nước ( cho dẻo, không bị đứt ), leo dừa thì làm bằng dây gân, dây bố. Vì thân cây dừa, cây cau rất trơn, không có độ bám, nên cần nài để đưa 2 bàn chân vào, quặp lấy thân cây cho không bị tuột... Nài chỉ thường được dùng để leo lên, khi xuống, người leo thường thả nài xuống, tuột cái vèo cho lẹ...
( Sau này rảnh rỗi và có dịp sẽ chụp hình minh họa tất cả những vật ghi chú trên )
chắc là chiết...chẳng phải chiếc!!!
ReplyDeleteỒ! Đúng rồi! Cảm ơn bạn đã xem giúp! :)
ReplyDeleteCho phép tôi sửa lại nha! :)