Tôi chưa bao giờ có một nhân cách như kiểu mà mọi người vẫn có, hoặc tưởng là họ có. Lúc nào tôi cũng không là ai cả một cách nổi bật, ấp ủ một ước vọng mãnh liệt được là ai đó dù chỉ là mờ nhạt. Tôi biết tôi đang nói gì. Anna, tôi đã thấy ngay lập tức, sẽ là kênh dẫn để giúp tôi biến cải. Nàng là tấm gương biến hình ở hội chợ trong đó mọi méo mó của tôi sẽ được chỉnh chu lại hết. "Tại sao anh không cứ là chính mình đi?" nàng thường nói với tôi thế trong những ngày đầu chung sống - nàng nói cứ là chính mình, chứ không phải biết mình là ai đâu nhé - khi thương hại những loay hoay của tôi muốn có được một chỗ trong cái thế giới rộng lớn này. Hãy là chính mình! Có nghĩa là, tất nhiên rồi, Hãy là bất kì ai mà ta thích. Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau như vậy. Chúng tôi sẽ cất cho nhau gánh nặng của việc phải là cái người mà thiên hạ vẫn bảo đó là chúng tôi. Hoặc ít nhất là nàng đã cất cho tôi gánh nặng đó. Nhưng tôi đã làm được gì cho nàng? Có lẽ tôi không nên lôi cả nàng vào cuộc truy tầm cái bất khả tri này, có lẽ chỉ có tôi mới là kẻ mong về cõi vô minh.
Dù sao, vấn đề còn lại duy nhất của tôi hiện nay là vấn đề tự tri. Chúng tôi là ai, nếu không phải là chính chúng tôi? Nhưng thôi được rồi, hãy tha cho Anna trong chuyện này. Vậy thì tôi là ai, nếu không phải là chính tôi? Các nhà triết học bảo rằng chúng ta được định nghĩa và hiện hữu thông qua những người khác. Như bông hồng đấy, nó đâu còn đỏ nữa trong bóng tối. Trong khu rừng ở một hành tinh xa vời nơi không ai có tai để nghe, liệu một cái cây đổ xuống có kêu rầm lên một cái không? Tôi hỏi: Ai sẽ biết tôi, nếu không phải là Anna? Ai sẽ biết Anna, nếu không phải là tôi? Những câu hỏi vô nghĩa vớ vẩn.Chúng tôi đã hạnh phúc bên nhau, hoặc đã không bị không hạnh phúc, như vậy cũng hơn chán hầu hết mọi người rồi, thế còn chưa đủ hay sao? Đã có nín nhịn, có căng thẳng, mà làm gì có chuyện không có những cái ấy ở bất kỳ cuộc sống chung nào như kiểu của chúng tôi? Những to tiếng, những gào thét, những cái đĩa bị quật vỡ, cú tát bất ngờ, cú đấm còn lạ hơn, chúng tôi có tất tật những thứ ấy. Rồi thì những thằng cha Serge của nàng, chưa kể những chị đầm Serge của tôi, đúng thế, chưa kể gì đến họ. Nhưng ngay trong những đụng độ mọi rợ nhất của chúng tôi, hai đứa vẫn chỉ chơi trò bạo liệt thế thôi, giống như Chloe và Myles trogn những cuộc tỉ thí của chúng vậy. Những cuộc cãi lộn của chúng tôi đều kết thúc trong tiếng cười, tiếng cười cay đắng, nhưng vẫn là tiếng cười, có ngượng ngùng và thậm chí còn hơi xấu hổ, xấu hổ không phải vì đã hung hãn với nhau, mà là vì chưa đủ hung hãn. Chúng tôi đánh nhau để có cảm xúc, và để cảm thấy mình có thật, hiện hữu như những sinh linh tự tạo là chúng tôi, là tôi.
(tr. 262-263 )
BIỂN - John Banville - Trịnh Lữ dịch ( NXB Văn học )
No comments:
Post a Comment