TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ SỰ PHỤC HỒI
Tác Giả : TS. Jill Bolte Taylor Dịch Giả : TS. Minh Tâm
Đứa
trẻ sơ sinh tập lật, tập ngồi, trườn, bò, đứng chựng, đi lẩm đẩm... như
thế nào và mất mấy năm thời gian, thì người sống sót sau tai biến mạch
máu não cũng phải làm gần như vậy. Tùy theo bệnh nặng nhẹ mà kết quả mau
hay chậm. Người nuôi bệnh phải biết rằng người bệnh là một đứa bé trong
thân thể người lớn. Đối xử với đứa bé như thế nào. thì đối với người
bệnh thế ấy. Không được nặng lời, to tiếng hay chê bai. Phải vui vẻ, bày
tở sự thương yêu, dịu dàng, kính trọng và không tiếc lời ngợi khen khi
người bệnh thành công trong việc tập ngồi, tập đứng, tập đi, tập nói,
tập viết...
Vận động một lúc cảm thấy mệt, tức là đã hết năng
lực. Người bệnh này không có năng lực nhiều nên luôn luôn cảm thấy mỏi
mệt. Cách bồi bổ năng lực là... ngủ. Vừa thoát chết thì phải ngủ nhiều
lần trong một ngày. Tôi hay thưởng cho tôi sau mỗi lần vận động là nằm
nhắm mắt ngủ. Đó là cách để bộ óc sắp xếp lại các mạch tế bào thần kinh,
giúp cho ta có thêm năng lực hơn. Cũng như văn phòng làm việc ngổn
ngang giấy tờ. Ngưng làm việc một lúc, lo sắp xếp trật tự trở lại thì
việc làm có hiệu quả hơn. Phải ngủ bao nhiêu giờ một ngày đêm tùy theo
lệnh của bộ óc, không phải lệnh của bác sĩ hoặc bất kỳ ai. Ngủ một đêm 9
giờ hoặc 11 giờ cũng không sao, miễn thấy trong người khỏe khoắn khi
tinh giấc. Và ngủ thêm giấc trưa vài ba giờ nữa. Đó là cách để cho năng
lực phục hồi mau chóng.
......
Bà chỉ theo dõi ủng hộ tinh thần,
khuyến khích tôi trong mọi việc tôi cố gắng tập làm, với tình thương vô
bờ của người mẹ như ngày xưa tôi mới chập chững biết đi. Mọi thứ tôi
phải bắt đầu từng bước. Như muốn ngồi dậy từ trên giường nằm thì tôi
phải tập nhấc nửa thân mình lên mấy trăm lần trong một vài ngày cho hai
bắp thịt khỏe mạnh rồi mới ngồi lên được. Những lúc đó mẹ tôi khen
ngợi khuyến khích không tiếc lời và tôi như đứa trẻ thơ, rất phấn khỏi
khi được khen. Điều quan trọng là tôi biết cố gắng. Tôi luôn luôn tự kỷ
ám thị bộ óc mình bằng cách nói với nó: “Nè, tôi cảm ơn và đánh giá cao
việc nối kết các mạch thần kinh này và muốn những cố gắng khác cũng được
như vậy”. Có những thực tập tôi phải lặp đi lặp lại cả ngàn lần mới
được như ý. Nhưng nếu tôi không cố gắng, không có gì tốt đẹp sẽ xảy ra.
Mẹ tôi tập tôi đi bằng cách vịn cho tôi từ giường ngủ tới phòng tắm,
cách chừng 10 thước. (Lúc bấy giờ chưa có walker - kiểu xe tập đi của
trẻ con). Mà tôi phải đi tới đi lui mấy ngày mới chập chững đi được một
mình. Mệt quá thì tôi lăn ra giường mà ngủ! Rồi từ giường ngủ tập đi tới
phòng khách. Công việc thực tập nào cũng mất rất nhiều năng lượng và
tôi mệt mỏi vô cùng. Nhưng ngủ một giấc độ 2, 3 tiếng thì khỏe lại; và
tôi tiếp tục nữa. Cứ vậy mà tôi bận rộn tập suốt ngày. Rồi tháng này qua
năm khác không chút xao lãng. Mục tiêu đã đề ra, nhất định phải đạt
được. Nếu tôi không cố gắng, ai có thể phục hồi giùm tôi?
Một
trong nhũng lý do cho sự thành công của tôi, là mẹ tôi lúc nào cũng kiên
nhẫn và dịu dàng. Không bao giờ bà tỏ ra mệt mỏi hoặc cáu kỉnh vì sự
lặp đi lặp lại chẳng nên thân của tôi. Khi tôi vụng về nhiều lần trong
thực tập, bà luôn miệng khuyến khích: “Đáng lý còn tệ hơn nữa; con như
vậy là giỏi rồi!”. Và bà khen lấy khen để những khi tôi thành công. Thái
độ từ ái của mẹ làm tôi vô cùng cảm động và phấn khởi. Tôi đạt kết quả
khả quan trên đường phục hồi, phần lớn nhờ sự kiên nhẫn của mẹ. Bà lúc
nào cũng cho thấy tôi giỏi vì hôm nay đã làm được việc mà hôm qua chưa.
Bà biết lựa những việc dễ, cần ít năng lực cho tôi thực tập trước, rồi
sau đó tới việc khó hơn, như ông thầy biết phuơng pháp sư phạm. Mà thật
vậy, mẹ tôi là một cô giáo dạy toán! Và hai mẹ con luôn luôn ăn mừng
những thành tựu tôi đạt được.
Có nhiều người sống sót sau tai
biến não than thở là họ không có khả năng phục hồi và bỏ cuộc. Tôi nghĩ
một là vì họ không kiên nhẫn và không có người giúp họ một cách kiên
nhẫn. Hai là họ không có mục tiêu rõ rệt, không biết phải chọn làm cái
nào trước, cái nào sau. Nên khi “học” làm một việc mà thất bại, họ nghĩ
tại họ không có khả năng để phục hồi.
Trong tuần lễ đầu tôi đã có
thể đi lại từ phòng ngủ sang phòng tắm và ra tới phòng khách tương đối
dễ dàng. Rồi mẹ hướng dẫn tôi đi vòng khắp nhà. Sang phòng vẽ với nhiều
tranh ảnh, mẹ bảo đó là những tác phẩm của tôi. Sang phòng nhạc, tôi
thấy mấy loại đàn, từ piano tới guitar và mấy thứ khác nữa. Mẹ nói thứ
nào tôi chơi cũng giỏi. Những phát hiện này làm tôi vô cùng thích thú.
Rồi mẹ còn bảo tôi là nhà khoa học não bộ nổi tiếng, muốn đem kiến thức
của mình phục vụ con người. Nghe kể về cuộc đời tôi sao nhiều màu sắc và
dễ thương quá, tôi càng quyết tâm nỗ lực phục hồi nhanh chóng để sống
lại cuộc đời đầy ý vị của chính tôi.
...
Rồi tôi học đọc. Đây là
một công việc hết sức khó khăn. Làm sao mà những nét vẽ ngoằn ngoèo
(chữ) li ti lại có thể đọc ra thành tiếng được? Trước hết, nhận diện và
phát âm các mẫu tự. Xong rồi ráp vần. Những âm kép, âm đầu và âm cuối.
Thật là rắc rối; thật là kỳ lạ. Chữ lại có thể phát ra thanh! Đôi khi có
những chữ khó phát âm quá, vì đã tập mãi mà không xong, tôi cãi lại mẹ:
“Không phải đâu mẹ; chữ này không thể phát ra âm thanh được!”. Mẹ tôi
chỉ mỉm cười, trìu mến lặp lại mấy lần đến khi tôi nhìn miệng mẹ và nghe
cách phát âm thật rõ, rồi lặp lại đúng hệt. Mẹ tôi reo lên và khen tôi
“giỏi quá”! Thành ra qua cơn xuất huyết não của tôi, quyển sách này chỉ
để khẳng định rằng: Sống trong an lạc và Hạnh phúc không phải là điều xa
vời, không tưởng như các nhà tôn giáo cố gắng truyền rao. Đó là một
thực tế có từ trong não của bạn. Muốn có được, hãy làm cho não trái im
đi ảnh hưởng của nó và hãy bước qua não phải. Khi mỗi người đều tìm được
bình an và hạnh phúc cho chính mình thì thế giới này mới có thể là nơi
thanh bình và trật tự cho mọi người.
( P/S : tiếc cho ai bị giập não phải, não trái đang lấn lướt. :( )
Việc
phục hồi có thể kéo dài vài tháng đến vài năm; 10 năm, 20 năm hay suốt
đời, tùy theo sự nặng nhẹ của tai biến. Tôi đã từng nghe nhiều bác sĩ
bảo: “Nếu bạn không thể phục hồi trong 6 tháng sau tai biến, thì không
thể phục hồi”. Điều đó hoàn toàn sai. Chính tôi, một nhà khoa học não
bộ, biết đúng cách để phục hồi cho chính mình, cũng đã phải mất 8 năm
trời! Bởi vì tế bào não không bao giờ chết, trừ phi chúng bị bỏ quên.
Chúng thực sự chỉ bị tê liệt. Khả năng thay đổi để thích ứng của tế bào
bộ óc con người thật là kỳ diệu. Tế bào thần kinh của tôi đã tự chữa
lành và vận hành trở lại theo sự thực tập kiên trì ngày qua ngày. Và
nhất là số lượng giờ ngủ phải thích đáng theo nhu cầu bộ óc - đừng quá
ít. Chính những giấc ngủ đã giúp bộ óc hồi phục. Các nhà khoa học ngày
nay đều nhận biết rõ ràng rằng não bộ có khả năng thay đổi tuyệt vời
trong sự nối kết các tế bào thần kinh qua những kích thích từ bên ngoài.
Tính chất này đã giúp cho não bộ tái lập những chức năng đã mất
...........
Đừng
nên bỏn xẻn về lời khen ngợi sự thành công, tiến bộ trong việc học hỏi
của người bệnh và phải chúc mừng từng mỗi giai đoạn đã hoàn thành. Người
lãnh phần chăm sóc trong giai đoạn phục hồi này phải thật có lòng yêu
thương và kiên nhẫn. Không bao giờ được tỏ vẻ chán nản hay cao giọng gắt
gỏng, dù người bệnh có chậm chạp hay vụng về trong việc học hỏi đến
đâu. Nên có nhiều người thay phiên để tránh tình trạng mệt mỏi này, để
bệnh nhân không mất lòng tin và bỏ cuộc. Nên nhớ rằng, người bệnh không
phải “ngu” hay “chậm chạp”, mà là “bệnh”. Khi người bệnh chưa có thể nói
và nghe, người chăm sóc muốn nói gì phải kê sát gần nói nhỏ nhẹ vừa đủ
nghe, chớ không nói nhanh và hét lớn. Người bệnh chỉ nghe và nói chưa
được, không phải điếc và câm.
Trên đường dài phục hồi, tôi có dịp
quan sát những cảm giác của mình. Thật thú vị khi cảm thấy được những
sự vui, buồn, mừng, giận từ bên ngoài xảy đến trong tôi, rồi đi. Có khi
cái “giận” đến làm cho cả cơ thể run lên, rồi thoát ra ngoài. Càng thú
vị hơn khi tôi thấy mình làm chủ được những tình cảm đó, bằng cách dang
tay đón nhận hay cấm cửa không cho vào, hoặc không cho trở lại. Nhất là
những tình cảm như giận dữ, bất mãn, khinh ghét, thù hận. Cho nên khi
trung tâm ngôn ngữ của tôi được tái lập, tôi thường dùng nó để ra lệnh
cho não bộ trái là tôi không muốn những tình cảm tiêu cực này xuất hiện
hay tái xuất trong mạch thần kinh của tôi, vì chúng nó tiêu hao rất
nhiều năng lượng một cách vô bổ. Chúng ta thông thường không để ý đến
điều này, nên hay “đổ thừa” cho người khác, hoặc hoàn cảnh đã làm cho ta
giận, buồn, khổ. Trong 8 năm dài phục hồi, tôi đã quan sát và thấy rằng
mình làm chủ được những tình cảm tiêu cực và không để chúng xảy ra. Tất
cả chỉ là những dữ kiện không tốt chạy quanh trong mạch thần kinh mà ta
có thể loại trừ khỏi não bộ dễ dàng và không để xuất hiện trở lại. Thí
dụ, người nào xuyên tạc điều gì về bạn, khiến bạn giận run lên. Nếu bạn
không làm chủ được mình thì bạn sẽ ôm mãi cơn giận, đến có thể mất ăn
mất ngủ. Bởi vì cái “giận” vẫn còn lưu thông trong mạch thần kinh ở não
trái. Bạn phải ra lệnh “bỏ”, rồi nghĩ đến việc gì khác vui hơn, thì cơn
giận sẽ biến mất. Khi bạn nghĩ đến chuyện vui, bạn thấy vui. Còn nghĩ
đến chuyện buồn, sẽ buồn.
Cho nên, không ai có quyền làm chủ cuộc
đời mình, trừ chính mình và bộ óc. Nên không thể trách người khác.
Không ngoại cảnh nào có thể làm mình mất đi sự an tĩnh của tâm hồn, nếu
mình biết tự làm chủ. Như một thuyền trưởng lái tàu giữa biển khơi, tôi
không thể hoàn toàn làm chủ vận mệnh trước phong ba, bão tố; nhưng chắc
chắn tôi có toàn quyền định đoạt về cách tiếp nhận những biến cố đó mà
vui hay buồn, xem như tháchh đố hay thất bại !
...........
Tôi
thường được hỏi nhiều nhất là: “Phải mất bao lâu cô mới được hồi phục?".
Và tôi vui vẻ đùa lại: “Hồi phục cái gì?”. Nếu hồi phục là trở lại con
người như xưa thì chưa, mà tôi cũng không muốn. Tôi không muốn trở lại
như xưa với tánh tình nóng nảy, hay phê bình chỉ trích, thiếu lòng từ ái
với mọi người. Đó vốn là sản phẩm của não bộ trái. Từ lúc não bộ trái
tê liệt vì trận xuất huyết, tôi được diễm phúc học thêm điều mới từ ý
thức của não bộ phải: là không nên nghe nhiều, thấy nhiều những chuyện
thị phi, và phải có lòng nhân với mọi tầng lớp người. Thêm vào đó, trong
lòng tôi lúc nào cũng yên tĩnh với niềm vui vô hạn.
Phục hồi thể
chất, nghĩa là làm cho tay chân cử động, đi đứng được..., chỉ là chuyện
nhỏ. Phục hồi tinh thần với nhận thức mới từ ý thức của não bộ phải,
mới là việc quan trọng cho đời người, theo ý nghĩ của tôi. Vết mổ trên
đầu lành mau chóng vì mẹ tôi săn sóc rất sạch sẽ và kỹ lưỡng, không để
bị nhiễm trùng làm độc. Chỉ có vết sẹo là như bị tê suốt 5 năm trời, và 3
lổ khoan cần thiết cho cuộc giải phẫu thì tới năm thứ 6 mới lành hẳn.
....
Khi
tôi mất khả năng sinh hoạt của bán cầu não trái, tôi mất luôn cả cá
tính mà rõ ràng là liên hệ mật thiết với não cầu này. Mà cá tính này có
rất nhiều nét tiêu cực, không mấy tốt đẹp cho mình lẫn cho người, như:
nóng giận, hay cãi lẫy, tự cho mình luôn luôn đúng, cái gì của mình là
hơn hết! Phục hồi sinh hoạt bán cầu não trái có nghĩa là phục hồi cả các
nét cá tính tiêu cực đó. Ngày xưa tôi không biết thì thôi. Nhưng nay,
sau cơn xuất huyết não, tôi đã ý thức được những phẩm tính tốt đẹp biểu
lộ từ bán cầu phải, thì các cá tính tiêu cực trên không thể chấp nhận
được. Nhưng phải làm sao? Cũng như bạn thích chiếc áo, thích kiểu may,
nhưng không ưa màu sắc của nó. Hoặc mua, hoặc không. Nhưng còn não cầu
của bạn?
Làm sao tôi có thể cầu tiến cố gắng ăn học giỏi để có
địa vị cao sang trong xã hội, mà không coi thường người dốt nát với số
phận thấp hèn chung quanh? Làm sao tôi biết quý giá trị đồng tiền, biết
dành dụm không phí phạm để trở thành dư giả, giàu có mà không sanh tánh
muốn có thêm, tham lam và keo kiệt? Làm sao tự cho cái Tôi, cái Ngã của
mình là nhất thiên hạ mà lại có thể đem lòng thương yêu, chia sẻ, cảm
thông và bình đẳng với mọi người? Và quan trọng nhất là cái ý thức con
người là một với vũ trụ. Tôi tự hỏi không biết phần ý thức nào của bán
cầu phải sẽ bị mất đi khi bán cầu trái hoàn toàn hồi phục. Nhưng tôi
không muốn mất ý thức con người với vũ trụ là một. Tôi không muốn bộ óc
chạy quá nhanh theo danh lợi của cuộc đời khiến tôi phải đánh mất mình.
Tôi không muốn thấy rằng mình là một cá nhân độc lập với toàn thể. Tôi
cũng không muốn từ bỏ cái ý thức rằng cuộc đời là nơi thanh tịnh, an vui
cho mọi người và mọi loài. Và như vậy, bán cầu phải của tôi phải làm
sao để mọi người nhìn tôi mà không cho tôi là người bất thường?
.....
Phần
lớn chúng ta, ai cũng có lúc thấy: lý trí muốn làm thế này (não trái)
mà trong tâm hay trong bụng (não phải) muốn làm thế khác. Có người thì:
tôi nghĩ (não trái) như vầy mà tôi cảm thấy (não phải) như kia. Còn
người thì bảo: anh/chị sao mà dương tính quá (não trái), hãy âm (não
phải) chút xíu đi! Còn nếu bạn là học trò của trường phái Karl Jung thì
sẽ thấy “suy luận” (não trái) đối nghịch với “trực giác” (não phải). Mà
các triết gia và khoa học gia đều đồng ý là trực giác lúc nào cũng đúng!
Mục đích của tôi là giúp bạn biết rõ bạn sử dụng não bộ nào nhiều; để
biết mà quân bình, không còn quá khích, hoặc biết khi nào nên thiên về
trái hay phải.
Tôi nhận thấy hoạt động căn bản của não bộ phải là
tỏa chiếu sự an vui, thanh tịnh và lòng yêu thương. Nếu chúng ta dùng
nhiều thời gian trong đời mình để sử dụng mạch thần kinh này ở não bộ
phải, thì an vui, thanh tịnh và tình yêu thương sẽ lan tỏa khắp mọi
người, kể cả chúng ta; và cuối cùng, ta sẽ có an vui, thanh tịnh và tình
yêu thương trên mặt đất này. Và đó là Niết Bàn, hay Cực Lạc mà Phật
giáo nói đến. Cho nên khi ta biết rõ phần não bộ nào đang được sử dụng
để xử lý các dữ kiện thu nhập từ bên ngoài, ta có nhiều chọn lựa để biết
nghĩ, biết cảm, biết hành xử sao cho thích hợp với hoàn cảnh cá nhân và
với cộng đồng nhân loại.
Từ quan điểm của tế bào thần kinh học,
tôi đã vào được cảnh giới an lạc trong tận cùng thâm sâu của ý thức não
bộ phải như đã trình bày, khi não bộ trái đã hoàn toàn bất động. Hai
tiến sĩ Andrew Newberg và Eugene D’Aquily, nổi tiếng từ đầu thập niên
này về nghiên cứu não bộ, đã giúp tôi xác định những gì tôi nhận biết
xảy ra trong bộ óc tôi. Dùng kỹ thuật chụp ảnh SPECT (Phóng xạ trung hòa
đơn tử chiếu rọi ra màn hình), các nhà khoa học này nhận diện được
những tế bào thần kinh nào đang trong tình trạng trải nghiệm về tôn giáo
hay tâm linh. Họ đã biết rõ vùng nào ở não bộ đã giúp tôi đạt đến ý
thức mà tôi cho là một với vũ trụ (Thượng đế, Niết Bàn, Cực Lạc).
Sau
cơn bệnh, tôi thường để nhiều thì giờ suy nghĩ, nhận xét về bộ óc con
người và ngạc nhiên nhận ra nó thật kỳ diệu. Như Socrates đã nói: “Cuộc
đời không quán chiếu là cuộc đời không đáng sống”, tôi thấy không còn
sức mạnh nào đáng kể hơn khi biết mình có quyền năng chọn lựa sống đời
hạnh phúc, không khổ đau. Chỉ là vấn đề “Nước đầy tới nửa ly”; hay “Nước
cạn chỉ còn phân nửa” và biết khi nào phải dùng não bộ phải!
Con
người, ai không gặp những hồi thất bại, nhũng lúc khổ đau? Nhưng từ đó
hãy rút ra bài học, rồi để chúng qua đi (ý thức của não bộ phải). Đừng
giữ chúng chạy tới chạy lui trong mạch thần kinh não, như một đoạn phim
quay đi quay lại (ý thức của não bộ trái). Cũng đừng tự mãi trách mình
“Phải chỉ.. Có lẽ...”. Giống như đi nhầm đường mà ở đó lẩn quẩn và buồn
phiền. Dù biết vậy, thinh thoảng tôi cũng cho phép não bộ trái nghênh
ngang, hống hách, tự cho mình khác biệt và tài giỏi hơn người, hăm hở
tranh luận giành phần thắng. Nhưng rồi phần lớn trường hợp, tôi tự thấy
mình khôi hài, lố bịch, nên tự động kiếm cách giảng hòa, rút lui. Hình
như một nhà tư tưởng Đông phương có nói: “Thắng người phải có sức mạnh
thể chất. Thắng mình là nhờ sức mạnh tinh thần”. Câu nói này rất đúng
với khoa học não bộ ngày nay.
Hình như một nhà tư tưởng Đông
phương có nói: “Thắng người phải có sức mạnh thể chất. Thắng mình là nhờ
sức mạnh tinh thần”. Câu nói này rất đúng với khoa học não bộ ngày nay.
Chứ
thực tình thì khi sinh ra, không có ai mang theo sách chỉ dẫn (như khi
mua chiếc xe mới) để biết phản ứng với cuộc đời sao cho phải cách. Chúng
ta chỉ là sản phẩm của cha mẹ và của hoàn cảnh. Nhờ ăn học và cơn bệnh
sống chết của não bộ vừa qua, tôi chọn con đường tương thân tương ái của
não bộ phải từ đây; vì biết rằng ai trong chúng ta cũng trên vai mang
nặng những túi tình cảm tranh chấp, âu lo, hận thù, ganh tị, ích kỷ, hẹp
hòi di truyền sinh học từ thuở lọt lòng.
Tôi biết rằng tôi cũng
có khi lầm lỗi, nhưng tôi không nhất thiết tự mình mang mặc cảm là một
kẻ tội đồ; và tôi cũng không coi những lỗi lầm của bạn là vì cố ý nhắm
vào tôi. Khuyết điểm của bạn, khuyết điểm của tôi, mỗi người tự sửa
lấy. Điều quan trọng là giữ tâm an vui và tốt bụng với mọi người. Tha
thứ cho người và tha thứ cho mình là điều nên làm cho được. Nhìn đời
phút giây nào cũng là phút giây hoàn hảo là ta đang sống ở Niết Bàn,
Cực Lạc rồi đây!
tiến sĩ Kat Domingo đã có lần nói: “Giác ngộ
không phải là nhờ học thêm điều gì mới lạ, mà là biết bỏ hết đi những gì
đã học sai lầm!”.Tôi nhận ra mình là một phần trong đại thể của vũ trụ -
nơi đó nguồn năng lực miên viễn chảy vào các phân tử tế bào ở thân
thể. Biết được như vậy, tôi thấy mình thật an ổn. Làm sao tôi có thể
“chết” được khi tôi là một thành phần của cái toàn phần? Trong khi não
bộ trái cứ cho biết rằng tôi là một cá nhân riêng biệt, mong manh và dễ
“vỡ”, não bộ phải cho thấy rằng, từ bản thể, tôi vốn “tồn tại” mãi với
thời gian! Và như vậy, mặc dù tôi đã mất đi một số tế bào của cơ thể và
khả năng nhìn thế giới bên ngoài như là không gian ba chiều, phần năng
lượng đó của cơ thể tôi không mất mà chỉ là trở về hợp lại với biển
thanh tịnh và an vui của vũ trụ. Nhận thức này làm cho tôi vô cùng biết
ơn sự hiện diện ở cõi đời với phần tế bào còn khỏe mạnh trong tôi.
Muốn
có được phút giây hiện tại, bạn phải tập chậm lại đầu óc suy nghĩ của
mình. Đầu óc con người lúc nào cũng suy nghĩ, không thể trống không. Hết
nghĩ chuyện nọ, đến chuyện kia. Hết chuyện đã qua, đến chuyện sắp tới.
Chuyện làm được và chuyện không chắc có thể làm được. Cứ như vậy mà bực
bội, gắt gỏng, thất vọng, chán nản. Năng lực tiêu tán, tâm tình khổ sở,
thần sắc bệnh hoạn.
Bộ óc trái làm việc như vậy đó. Bạn hãy tập
nói chuyện và ra lệnh với nó. Có khi bạn nên cảm ơn nó với nụ cười: Cảm
ơn kế hoạch này tốt; chuyện này làm phải. Có khi bạn phải nghiêm khắc,
chau mày với nó, như với đứa trẻ ngỗ nghịch: tôi không thích nghe hay
thấy chuyện này xảy ra đâu; đừng bàn tới nữa. Và cho nó 90 giây để
ngừng. Nói rõ hơn, khi tức giận ai, cơn tức giận chỉ có trong 90 giây,
rồi chuyển sang đề tài khác hoặc bỏ đi chỗ khác thì sẽ không còn nữa.
Ngay bây giờ khi bạn đang đọc sách này, để ý xem óc trái bạn còn đang có
lệnh gì. Vợ dặn đi chợ, con đòi đi chơi, bạn bè rủ đi giải trí? Vậy là
bạn đã không sống trong hiện tại. Kết quả là đọc sách chẳng ra đọc sách.
Không chuyện gì ra chuyện gì. Không đọc sách thì không có thêm hiểu
biết; không nhớ lời vợ thì gia đạo bất hòa; không chơi với con thì khó
mà dạy dỗ chúng; không giao tiếp bạn thì cuộc sống hạn hẹp. Nhưng việc
nào phải có thì giờ của việc ấy. Sống trong hiện tại là biết làm chủ
cuộc đời mình, làm cho nó thành đơn giản, có ý nghĩa và nhờ đó mà tâm
được an lạc.
Ăn, uống, làm vệ sinh, hít thở trong ngày, họp mặt
buổi tối với gia đinh... là một vài ví dụ giúp bạn trở về sống trong
hiện tại. Khi ăn, chỉ biết có ăn; không suy nghĩ chuyện gì khác. Nếu khi
ăn ở nhà, nghĩ đến công ơn vợ đã bỏ ra nấu miếng ăn cho vừa khẩu vị
chồng, thì đã thấy hạnh phúc. Còn ăn ở tiệm thì nghĩ tới công ơn của bao
nhiêu người đã làm ra món ăn và biết bao nhiêu tỉ người trên thế giới
giờ này không được miếng ăn no bụng, mà cảm thấy mình hạnh phúc biết bao
nhiêu. Đó là ví dụ bạn dùng não bộ phải.
Einstein ngày xưa đã
nói: “Tôi phải cố gắng bỏ cái tôi là, để trở thành cái tôi sẽ nên”. Tôi
đã phải học một cách vất vả mới hiểu được rằng giá trị thật của con
người tôi như thế nào là tùy thuộc vào sự trong sáng của mấy mạch thần
kinh não bộ. Ý thức tôi có được là do những tế bào li ti mầu nhiệm hợp
lại mà thành. Nhờ sự mềm dẽo và dễ uốn nắn của tế bào não bộ, mà chúng
có thể thay đổi các cực tiếp xúc tạo thành các mạch thần kinh mới, khiến
cho tôi và bạn có thể thay đổi tánh tình bằng sự thay đổi cách suy nghĩ
và chọn lựa nên sống với cách thế ra sao trên quả đất này. Và may mắn
thay, chúng ta chọn cách sống thế nào hôm nay, ngày hôm qua chúng ta
chưa tiên đoán được. Vì vậy mà chúng ta luôn cần đọc sách và suy nghĩ.
Bất
kể mảnh vườn tôi thừa kế như thế nào, khi mà tôi đã ý thức rằng tôi có
trách nhiệm phải chăm sóc và có sức mạnh tinh thần để chọn lựa, thì tôi
sẽ chọn và nuôi dưỡng những hoa cỏ nào tôi muốn trồng, những mạch thần
kinh nào tôi muốn dưỡng; và loại bỏ hoàn toàn những thứ không cần thiết
và vô ích. Biết rằng những cỏ dại mới lên mầm thì dễ nhổ bỏ, nhưng dầu
là những dây leo quấn quít chằn chịt lâu ngày mà nếu chúng ta không vun
phân tưới nước, chúng sẽ tàn rụi theo thời gian.
Xã hội có lành
mạnh hay không là do những bộ óc tạo thành xã hội ấy có lành mạnh hay
không. Cứ nhìn một cộng đồng mà các bộ óc chỉ ưa thích ma túy, rượu mạnh
và sắc đẹp, thì đủ biết cộng đồng đó sẽ đi đến đâu và như thế nào.
Gandhy có nói một câu thật đúng: “Chúng ta phải là chất men để thay đổi
một xã hội khi chúng ta muốn xã hội đó thay đổi”. Tôi nhận thấy ý thức
của não bộ phải của tôi rất muốn cho tất cả chúng ta có một bước nhảy
vọt bằng cách chỉ bước qua bên phải, để tinh cầu này biến thành nơi của
yêu thương và an bình như mọi người hằng mơ ước.
nguồn
nguồn
No comments:
Post a Comment